Nam Phi - Hòn Ngọc Của Trái Đất

Không chỉ đất nước Nam Phi mà cả lục địa châu Phi đang hãnh diện vì lần đầu tiên họ được tổ chức Vòng chung kết bóng đá thế giới 2010. Tiến sĩ Danny Jordaan, Giám đốc điều hành Ủy ban Tổ chức World Cup 2010 đã tiếp chúng tôi và ông cho biết, kể từ World Cup năm 1990 ở Italia đến nay, đây là lần đầu tiên trận chung kết sẽ được đá trên sân vận động có sức chứa 98.700 chỗ ngồi. Sân Soccer City ở Johannesburg đang được xây dựng lớn hơn nhiều so với các sân ở Nhật, Hàn Quốc hoặc CHLB Đức mới đây đăng cai. 

Chi phí để xây dựng sân đã lên tới hàng tỉ euro. Ngoài ra, Nam Phi cũng đang khẩn trương xây mới 4 sân nữa cùng với nâng cấp 5 sân có sẵn đảm bảo tiêu chuẩn mà FIFA yêu cầu. Ngoài ra, hệ thống đường sá, viễn thông, ngân hàng, sân bay, khách sạn... cũng đang được chỉnh trang, nâng cấp nhằm phục vụ cho World Cup 2010 lần đầu tiên người dân châu Phi được vinh hạnh đăng cai.

Một vùng đất hứa, có nhiều cơ hội để đầu tư



Johannesburg được biết đến như một thành phố có trung tâm kinh tế lớn nhất không phải chỉ của Nam Phi mà cả châu Phi. Trước đây, nó còn được biết đến nhờ phong trào khai thác vàng rầm rộ và hỗn loạn nổi tiếng. Còn bây giờ, nó được hầu hết các doanh nghiệp chọn làm trụ sở văn phòng, là trung tâm chứng khoán của châu Phi và cũng là nơi ký kết các hợp đồng kinh tế có giá trị lớn trên thế giới.

Kinh tế Nam Phi có nhiều tiềm năng để phát triển bởi lẽ ở đây, cơ sở hạ tầng của bạn khá chuẩn mực. Đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và các cảng biển đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. 8.000 km đường cao tốc và 1.500 km đường đôi tiêu chuẩn quốc tế chạy suốt các ngả đường đất nước. Giá điện thì rẻ đến bất ngờ (khoảng 262 VNĐ/kw), khó ai có thể cạnh tranh nổi. Không những vậy, Nam Phi còn có dư để đáp ứng 2/3 nhu cầu về điện cho toàn châu Phi.

Hiện nay, sản phẩm xuất xứ từ Nam Phi đã có mặt ở hầu khắp các thị trường lớn trên thế giới. Các hiệp định thương mại của Nam Phi đã ký với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Việc Việt Nam gia nhập WTO là một cột mốc quan trọng để 2 nước dễ dàng hơn trong hợp tác làm ăn, xóa bỏ những rào cản mà trước đây còn vướng. Chính điều này đã đem đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu dồi dào, giá cả dễ chấp nhận và nhân công cũng khá thấp đã khiến cho sức hút của Nam Phi càng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Hy vọng rằng Việt Nam sẽ tìm thấy những cơ hội làm ăn với Nam Phi ngày một nhiều hơn. Ví dụ, Nam Phi có thể xuất khẩu sang Việt Nam gỗ chưa chế biến, hoa quả tươi, hoa quả đóng hộp, trang thiết bị khai thác mỏ, thiết bị phục vụ nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp, các giải pháp công nghệ viễn thông, công nghệ lọc nước, thép, phân bón... Còn Việt Nam có thể xuất khẩu sang Nam Phi đồ nội thất bằng gỗ, cao su...

Điều rất quan trọng nữa là chúng ta cần xem Nam Phi như một cửa ngõ lớn bước vào thị trường châu Phi với số dân là 180 triệu người. Việc lập các văn phòng đại diện ở Nam Phi cũng có nghĩa là lập văn phòng chung cho một số nước thuộc thị trường SACU (khối tiểu vùng kinh tế của 7 nước), nếu hướng tới cả thị trường này thì sẽ được ưu đãi về thuế.

Một cộng đồng người Việt nhỏ bé nhưng gắn bó

Khi chúng tôi sang Nam Phi, các bạn bên Bộ Ngoại giao Nam Phi đã có nhã ý cho đoàn tiếp cận với cộng đồng người Việt ở Nam Phi để tìm hiểu về kiều bào mình.

Người mà chúng tôi được tiếp cận là anh Tuấn, nhà thiết kế đồ trang sức và cũng là chủ xưởng chế tác, chủ cửa hàng bán đồ kim hoàn ở thành phố Port Elizabeth, phía đông Nam Phi.

Tuấn còn rất trẻ. Anh sinh năm 1975 trong một gia đình có công ty kinh doanh vàng bạc ở Hà Nội. Anh sang lập nghiệp bên đó đã 3 năm và mới đây đã đưa cả vợ con sang định cư. Tuấn đã đưa cả kỹ thuật viên, cả thợ kim hoàn ở trong nước sang với ý đồ còn lớn hơn: dạy nghề kim hoàn cho người sở tại. Cái khéo léo của người Việt Nam ta không phải người nước nào cũng có. Chính vì vậy, anh đang trình cơ quan sở tại dự án mở trường đào tạo nghề cho người Nam Phi ngoài công việc buôn bán, chế tác vàng bạc.

Chúng tôi được biết cộng đồng nhỏ bé người Việt ta ở thành phố cảng này chỉ có 25 người (cả Nam Phi chỉ có trên năm chục người), hầu hết mới sang vài năm nay, hoặc mở công ty làm ăn buôn bán, hoặc là đi học. Họ sống rất đùm bọc nhau.

Trần Anh và Khoa, hai bạn trẻ đều kinh doanh xuất nhập khẩu gỗ (xuất gỗ chưa chế biến sang Việt Nam rồi nhập gỗ thành phẩm hoặc sản phẩm bàn ghế trở về Nam Phi để bán), tỏ ra hài lòng với công việc mà mình đang làm bên này, tuy rằng cũng có những mối quan ngại như về an ninh chưa thật an tâm. Riêng vấn đề này, theo chúng tôi tìm hiểu, quả là cũng khá phức tạp và phần nào tác động đến tâm lý du khách khi đến với Nam Phi. Thường thường du khách ngoại quốc cũng được các nhà cung cấp dịch vụ du lịch dặn dò khá kỹ, ví dụ không nên đi một mình vào phố vắng lúc đã khuya, vào những khu người da đen ở theo lối tạm bợ... Hoặc như trong làm ăn thì thủ tục giấy tờ trong giao dịch, cấp phép đôi khi cũng khá chậm chạp, ách tắc...

Một điều thật thú vị do các bạn bật mí với chúng tôi: "Cộng đồng người Việt ở thành phố này tuy rất ít, nhưng cuối tuần luôn duy trì đều đặn các trận đấu bóng đá giao hữu với cộng đồng người Hoa ở đây. Họ đông lắm, có cả trăm ngàn người, ấy thế mà chúng em chưa chịu thua trận "giao hữu quốc tế" nào đâu nhé!".

Nguồn: http://dulichviet247.net/

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.